nhu-ng-ly-do-khie-n-do-ng-co-so-m-hu-ho-ng

Những lý do khiến động cơ sớm hư hỏng

CÔNG TY CỔ PHẦN SẢN XUẤT VÀ PHÂN PHỐI ĐIỆN NĂNG 30/11/2018

Cùng Điện Năng tìm hiểu 3 nguyên nhân chính dẫn đến hư hại động cơ xe của bạn.

1. Động cơ bị thủy kích

Thủy kích là hiện tượng xe bị nước tràn vào đường hút gió của máy, làm xe chết máy đột ngột. Trong trường hợp này, nếu người lái xe cố tình đề máy, nước sẽ bị hút sâu vào động cơ, dẫn đến hỏng máy.

Với điều kiện vận hành bình thường, các piston đang lao lên ép hỗn hợp khí nạp với tốc độ khoảng 1.000 vòng/phút. Tuy nhiên, khi nước tràn vào đường hút gió và chiếm chỗ của hỗn hợp khí nạp và vì nước không chịu nén nên chính lực ép này đã tạo phản lực làm biến dạng các tay biên và piston. Khi tay biên cong quá sẽ bị gãy, đoạn gãy này sẽ chọc thủng thành động cơ, phá huỷ máy xe.

2. Động cơ thiếu nước làm mát

Khi động cơ thiếu nước làm mát sẽ dẫn đến nóng quá mức. Động cơ bắt đầu phát ra tiếng ping, công suất tụt giảm bởi nhiệt độ và áp suất trong buồng cháy vượt quá mức cho phép của chỉ số octan nhiên liệu, hiện tượng cháy xảy ra trước khi bugi đánh lửa. Các hệ thống không còn nhịp nhàng nữa, vòng gioăng, piston và ổ bi sẽ gặp hư hỏng.

Động cơ chạy, xuất hiện khói trắng, điều đó có nghĩa là gioăng đã bị thổi cháy, nước làm mát hoặc lọc dầu lọt vào buồng đốt. Dấu hiệu này báo hiệu nhiều hư hỏng trầm trọng có thể xảy ra: hơi nước làm hỏng bộ xúc tác. Nước làm mát lọt vào nhiều có thể làm cong thanh truyền (tay biên)… Rất có thể bạn sẽ phải từ bỏ động cơ khi nước lọt vào các-te. Gioăng quy-lát làm nhiệm vụ đệm giữa nắp máy với thân máy sẽ bị thổi bay khi máy nóng quá mức. Nhiệt độ làm nhôm nở ra với tốc độ nhanh gấp 3 lần so với gang. Ứng suất tạo ra bóp méo mép nhôm. Khi động cơ nguội đi, nhôm co lại để lộ khe hở giữa thân và nắp máy, chức năng làm kín không được duy trì, nước hoặc dầu lọt vào. Nếu nhiệt độ tăng quá cao, áp suất buồng đốt có thể sẽ thổi bay phần gioăng bị phồng lên.

3. Hao hụt dầu động cơ 

Khi nhiệt tăng cao, linh kiện trong động cơ giãn nở ở mức độ khác nhau. Các mối lắp ghép dễ rơi vào tình trạng kẹt chặt hoặc bó cứng. Piston nở to cào xước bề mặt xi-lanh. Nếu bánh đà quay ở tốc độ cao mà piston bó cứng, đó là điều kiện khiến thanh truyền bị cong. Van xả nóng kẹt trong ghít dẫn hướng, làm bề mặt trong của ghít bị cào xước, hệ thống phân phối khí bị quá tải.

Tiêu hao dầu động cơ thường xuất phát từ hai nguyên nhân cơ bản: dầu lọt qua bạc dẫn hướng xu páp vào buồng đốt và séc-măng bị hư hại. Nếu ống dẫn hướng xu páp bị mòn hoặc nếu khe hở giữa xu páp và bạc dẫn hướng quá lớn hoặc phớt dầu đuôi ống dẫn hướng xu páp mòn, nứt, vỡ hoặc lắp ráp không đúng, dầu bôi trơn sẽ bị hút vào buồng đốt qua bạc dẫn hướng xu páp. Động cơ vẫn tạo ra được lực nén ép tốt nhưng lại tiêu hao quá nhiều dầu.

Dầu động cơ bị tiêu hao do séc-măng mòn hoặc gãy hoặc mòn bề mặt xi-lanh, động cơ sẽ bị giảm áp suất nén. Chỉ có một cách để khắc phục hư hỏng này là doa hoặc mài các xi-lanh và thay thế các séc-măng bị mòn hoặc gãy. Đa số các động cơ mới ngày nay không cho phép doa xi-lanh mà cách khắc phục duy nhất khi xi-lanh bị mòn là thay xi-lanh mới.Bạc dẫn hướng xu páp bị mòn có thể phục hồi theo một số cách khác nhau. Một số trạm bảo hành sử dụng phương pháp phổ biến là khoét rộng thêm bạc dẫn hướng và phủ một lớp đồng mỏng. Việc tạo vân trên mặt bạc, tiếp xúc với xu páp là một biện pháp khác có thể làm giảm khe hở bạc dẫn hướng. Với những động cơ có nắp quy lát được chế tạo bằng nhôm, bạc dẫn hướng nguyên bản có thể tháo ra và thay thế bằng một cái mới. Với nắp quy lát được chế tạo bằng gang đúc, bạc dẫn hướng có thể khoét rộng thêm để chèn thêm bạc lót vào.

Dầu bị tiêu hao cũng có thể do các xi-lanh mới được đại tu bằng cách lên cốt không được doa, mài đúng cách (quá thô hoặc quá mịn) hoặc các séc-măng bị lắp ngược thứ tự, bị uốn, xoắn trong rãnh séc-măng hoặc khe hở đầu séc-măng quá lớn hoặc các khe hở đặt so le không đúng làm khí lọt vào nhiều hơn.

Tham khảo: Internet

Bình luận
Nội dung này chưa có bình luận, hãy gửi cho chúng tôi bình luận đầu tiên của bạn.
VIẾT BÌNH LUẬN