mot-so-cau-hoi-hay-ve-su-dung-ac-quy

Một số câu hỏi hay về sử dụng ắc quy

CÔNG TY CỔ PHẦN SẢN XUẤT VÀ PHÂN PHỐI ĐIỆN NĂNG 25/09/2018

Dùng ắc quy có nguy hiểm gì không? Ắc quy bị nổ trong trường hợp nào?

Dùng ắc quy trong kích điện hoặc dùng ắc quy cho các mục đích khác cũng có mối nguy hiểm của nó như cảnh báo thường ghi trên nhãn ắc quy, đó là: Có thể bị nổ, có thể gây ra ảnh hưởng bởi nước axít bắn ra.

13226845_885216154938780_7716705557141834612_n

Ắc quy bị nổ (và kéo theo là làm bắn axít ra) trong các trường hợp sau đây:

– Vô ý làm chập điện ắc quy: Thường là dây âm chạm vào dây dương hoặc ngược lại. Khi này ắc quy phóng một dòng rất lớn, gây phát tia lửa điện, gây nóng bình một cách nhanh chóng và có thể phát nổ.

aq_bi_no

– Gây phát ra tia lửa khi đang nạp ắc quy: Khi nạp ắc quy mà đặc biệt là nạp với một dòng điện lớn thì ắc quy sẽ sinh ra hai loại khí dễ cháy nổ là Hyđrô và Oxy. Bình thường với các ắc quy kín khí thì hai loại khí này sẽ kết hợp lại với nhau và tạo thành nước mà ít thoát ra ngoài, nhưng trong các ắc quy kiểu hở thì hai khí này bay vào không khí tại vị trí đặt ắc quy. Với một lưu lượng lớn hỗn hợp hai khí này thì khi có tác nhân là tia lửa (do hút thuốc lá, do đóng cắt các công tắc điện, cắm dây hoặc rút dây điện tại các phích gần đó, cặp hoặc ngắt cặp các mỏ kẹp cá sấu cho sạc….) thì có khả năng dẫn đến cháy nổ.

– Do quá nạp trong thời gian dài: Trong mọi chế độ nạp (giám sát bằng thiết bị nạp tự động hoặc chế độ nạp thủ công) thì cần phải giữ nhiệt độ ắc quy dưới mức 50 độ C. Việc nạp quá dòng, quá áp sẽ dẫn đến ắc quy bị nóng quá nhiệt độ này dẫn đến tuổi thọ ắc quy giảm nhanh và đặc biệt ắc quy có thể phát nổ nếu nhiệt độ quá cao.

Hiện tượng quá nạp xảy ra trong trường hợp nào?

Mọi hành động nạp điện vượt qua thông số cho phép với ắc quy đều có thể được gọi là quá nạp, do vậy hiện tượng quá nạp có thể xảy ra ngay khi ắc quy chưa đầy điện. Về điện áp và mức dòng điện nạp bạn có thể xem tại bài “Ắc quy dùng trong kích điện”, ở đây xin nêu một vài lý do dẫn đến hiện tượng quá nạp.

– Quá nạp do không kiểm soát được hoặc không biết kiểm soát quá trình nạp – đây là lý do diễn ra nhiều nhất bởi đa phần người sử dụng là người bình thường, họ giao phó việc lắp đặt hệ thống kích điện cho nhân viên bán hàng (hoặc người quen có hiểu biết) rồi thực hiện như chỉ dẫn. Đối với các bộ kích điện có chế độ nạp tự động và thực hiện tốt thì không có vấn đề gì xảy ra, tuy nhiên đối với các bộ kích điện có chế độ nạp thủ công thì việc thực hiện không đúng chỉ dẫn (hoặc tính toán sai thời gian nạp do quá trình tiêu thụ điện ắc quy trước đó không hết hoàn toàn) thì rất dễ gây ra quá nạp.

– Sử dụng ắc quy dung lượng quá nhỏ nên không phù hợp với khả năng nạp của bộ kích điện: Mỗi kích điện có khả năng xuất một dòng nạp nào đó (ví dụ 5A, 10A, 15A…) khi ở trạng thái ắc quy cạn kiện, thông thường thì sử dụng các dòng nạp này đối với các ắc quy (hoặc hệ thống song song nhiều ắc quy) có dung lượng tổng lớn hơn 200Ah thì đều được, nhưng đối với các ắc quy có dung lượng quá nhỏ thì cũng gây quá nạp. Ví dụ một bộ kích điện có dòng nạp lớn nhất 12A, khi sử dụng một ắc quy axit kiểu hở có dung lượng 50Ah đến 75Ah thì sẽ gây ra hiện tượng quá nạp. Như vậy việc sử dụng các ắc quy dung lượng lớn hoặc đấu song song nhiều ắc quy sẽ hạn chế được phần nào hiện tượng này.

– Rủi ro do chất lượng của kích điện hoặc các yếu tố khách quan: Các bộ kích điện hiện nay thường được quảng cáo rằng có chế độ nạp 3 giai đoạn – kéo dài tuổi thọ ắc quy – tuy vậy thì chế độ nạp này vẫn ẩn chứa những rủi ro nhất định (thực tế đã xảy ra như phản ảnh tại diễn đàn W về loại sản phẩm H). Thử phân tích sự rủi ro đối với kích điện H sẽ thấy: Biến áp dùng để biến đổi 12 lên 220V (xem sơ đồ ở bài về Kích điện) lúc này làm nhiệm vụ biến đổi điện từ mức 220V xuống tầm 14,5-15V để nạp điện, việc điều tiết chế độ nạp (3 giai đoạn) qua Thyristor được điều khiển bởi mạch điện. Bởi một lý do nào đó (nhận biết sai mức điện áp ắc quy, mạch điện bị hư hỏng dẫn đến làm việc sai, chất lượng linh kiện xuống cấp, bụi và độ ẩm làm dẫn tắt trên mạch in, rơi nước vào máy, côn trùng thâm nhập…có nhiều lý do khác nhau) mà sự điều khiển không đúng dẫn đến quá trình nạp diễn ra sai, nạp quá áp, nạp đầy không ngắt mà vẫn nạp tiếp, nạp đầy mà vẫn đặt điện áp ra ở mức 15V….đây là các lý do dẫn đến hiện tượng bình ắc quy bị nóng và bốc mùi khi nạp. Vậy cũng không nên tin tưởng hoàn toàn vào chế độ nạp của các kích điện để giao phó hoàn toàn cho nó mà không chú ý kiểm tra đến chúng – bởi ngoài lý do lỗi sản phẩm thì còn nhiều lý do khách quan khác nữa để dẫn đến cháy nổ ắc quy. (Mà để giải quyết triệt để trường hợp này có lẽ nên nạp thủ công bằng bộ nạp điều chỉnh được LiOA như đã trình bày trong bài Ắc quy).

Nêu ra những rủi ro do kích điện hoặc các nguyên nhân khách quan không phải là việc phóng đại quá mức các nguy cơ rủi ro, mà nhằm giúp người dùng lường hết các khả năng có thể xảy ra để đề phòng hoặc hạn chế thấp nhất những sự việc không mong muốn.

Cách phân biệt ắc quy khô? ắc quy hư hỏng?

Như trong bài ắc quy đã nói: Nhiều người hiểu nhầm về ắc quy khô. Ắc quy khô một cách thực sự thì chúng không dùng điện môi H2SO4 bằng dung dịch nước – mà dùng dạng keo sệt. Loại ắc quy này có thể đặt nghiêng một góc quá 45 độ vẫn có thể hoạt động tốt và không thấy có dung dịch trào ra ngoài (trái với ắc quy thông thường và ắc quy kín khí – chỉ cần nghiêng quá 45 độ về các phía thì thấy trào dung dịch axít ra). Người mua có thể đề nghị cách thử này với người bán nếu họ cam đoan rằng đây là ắc quy khô một cách thực sự.

Đối với ắc quy kín khí thì cách phân biệt đơn giản nhất là chúng thường có một cảm biến (có người gọi là mắt thần) màu xanh hoặc nền xanh nhân đỏ và phần hướng dẫn xem trạng thái ắc quy thông qua các cảm biến đó được in trên nhãn của ắc quy. Ắc quy kín khí còn một đặc điểm cơ bản nữa là chúng không có các nút, núm để thoát khí của các ngăn trong bình.

Cách thử nghiệm ắc quy xem có bị hư hỏng hay không là quan sát bằng mắt và sử dụng dụng cụ kiểm tra ắc quy chuyên dùng (thường sẽ có ở cửa hàng bán ắc quy).

+ Khi quan sát bằng mắt: Xem tem, nhãn (có sắc nét không, có dấu hiệu mới bị dán lại hay không), xem các vết xước trên các cọc điện cực (nếu ắc quy mới thì có thể có phần nhựa chụp bảo vệ và còn dính liền với ắc quy, hoặc nếu không có thì xem phần cọc điện cực có nhiều dấu vết xước, vết cặp bằng kẹp răng cá sấu…). Quan sát bình có kích thường đồng đều và không bị phồng tại bất kỳ vị trí nào cả….

+ Sử dụng dụng cụ chuyên dùng: Tại các cửa hàng ắc quy thường có một thiết bị kiểm tra ắc quy theo cách đơn giản, thiết bị này có dạng một tay cầm đồng hồ giống hình khẩu súng và một dây dẫn nối với đầu nhọn để áp vào các cọc điện của ắc quy. Khi ấn hai đầu thiết bị này với ắc quy thì tuỳ theo mức điện áp hiển thị trên đồng hồ mà người ta xác định được ắc quy còn tốt hay đã hỏng. Nguyên lý của thiết bị này là cho một dòng điện cỡ vài chục A đi qua và đo sự sụt giảm điện áp của ắc quy, nếu như điện áp hiển thị trên đồng hồ vào khoảng trên 10V thì ắc quy chưa bị hỏng (các tham số về dòng và áp cụ thể còn tuỳ thuộc vào dung lượng của ắc quy).

+ Sử dụng cách đơn giản hơn: Sử dụng tại nhà – chỉ để kiểm tra sự giảm dung lượng bình sau thời gian hoạt động: Sau khi nạp đầy, phóng điện bằng một bóng đèn sợi đốt 12V công suất vài chục W rồi căn cứ vào dòng điện tiêu thụ (lấy công suất chia cho điện áp) và thời gian phóng điện mà xác định dung lượng còn lại của ắc quy.

Bình luận
Nội dung này chưa có bình luận, hãy gửi cho chúng tôi bình luận đầu tiên của bạn.
VIẾT BÌNH LUẬN