-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Cách xử lý khi đổ nhầm nhiên liệu vào xe ô tô
23/11/2018
Việc đổ nhầm nhiên liệu vào xe ô tô luôn là một sự nhầm lẫn tai hại, thậm chí có thể gây nên những hậu quả rất đáng tiếc. Tuy nhiên, nếu người lái xe có đủ kiến thức và biết xử lý đúng cách thì nhầm lẫn này hoàn toàn có thể cứu vãn được.
Dưới đây là một số lời khuyên có thể hữu ích cho bạn trong trường hợp vô tình đổ nhầm nhiên liệu vào xe ô tô.
Trường hợp 1: Đổ nhầm xăng vào máy dầu.
Khi đổ nhầm xăng vào máy dầu, sau khi đổ nhiên liệu xong xe vẫn có thể tiếp tục di chuyển, bởi lượng dầu diesel còn sót lại trong bình sẽ lắng xuống, chảy vào buồng đốt. Trên thực tế, xe có thể di chuyển thêm khoảng vài km, tuy nhiên sẽ phát ra tiếng máy rất ồn, sau đó yếu dần rồi chết hẳn, không thể khởi động lại được.
Trường hợp để xe dừng lâu sau khi đổ nhầm (hoặc để qua đêm), xe có thể sẽ khó nổ ngay khi khởi động và nhanh chóng bị chết máy.
Hậu quả của việc này là động cơ sẽ bị nóng và bó máy, hỏng séc măng hoặc thậm chí hỏng cả bộ hơi, pít-ton, xy-lanh, dẫn tới phải thay cả máy. Nếu để xe lâu không đi ngay sau khi đổ nhầm xăng, xăng có thể ăn mòn đường dẫn nhiên liệu bằng cao su, dẫn đến phải thay mới.
Cách xử lý:
Nếu ngay lập tức phát hiện việc đổ nhầm, tuyệt đối không được khởi động động cơ. Tiến hành hút sạch toàn bộ nhiên liệu bị trộn lẫn ra ngoài, dùng bơm tay bơm hết dầu lẫn xăng ra, cho dầu mới vào bơm cao áp để súc rửa tiếp. Sau khi làm sạch vòi, phun khỏi xăng lẫn dầu, có thể khởi động lại động cơ và cho chạy không tải 10-20 phút để kiểm tra, nếu vẫn nổ như bình thường thì có thể yên tâm sử dụng, còn nếu có tiếng kêu lạ từ động cơ thì nên tắt máy và đưa tới xưởng bảo dưỡng để kiểm tra toàn bộ.
Trường hợp 2: Đổ nhầm dầu diesel vào máy xăng
Trường hợp này thường hiếm khi xảy ra bởi vòi bơm diesel tại các cột bơm nhiên liệu tiêu chuẩn luôn được thiết kế to hơn miệng bình nhiên liệu của xe hơi chạy xăng nên hiếm khi bị nhầm. Tuy nhiên không phải là không thể xảy ra.
Hậu quả của việc đổ nhầm dầu diesel vào máy xăng là sẽ gây ra hiện tượng xả nhiều khói muội do dầu không được đốt hết, dần chuyển sang kẹt và bó động cơ do muội bám vào thành xy-lanh nhiều làm kẹt pít-tông. Do đó, nếu xe đang di chuyển với vận tốc cao và bị bó máy, hậu quả của việc này khá nặng nề có thể dẫn tới gãy trục khuỷu, làm hỏng động cơ.
Cách xử lý:
Tùy thuộc vào lượng diesel đã đổ vào bình (trên hay dưới 10%) và loại động cơ xe là đời cũ hay mới, người sử dụng cần có các phương án xử lý khác nhau. Tuy nhiên trong mọi trường hợp, cách tốt nhất là tuyệt đối không khởi động xe (hoặc tắt ngay động cơ nếu vừa đổ nhiên liệu vừa nổ máy), sau đó tiến hành rút hỗn hợp diesel pha xăng hết ra khỏi bình.
Nếu lượng dầu diesel đổ vào ít (dưới 10%) so với dung tích bình xăng và động cơ xe thuộc dòng đời cũ, không sử dụng phun xăng điện tử, có thể đồ đầy bình xăng để hòa tan diesel và xe vẫn chạy được bình thường, chỉ hơi khói hơn một chút. Nếu là động cơ hiện tại, cách tốt nhất là kéo xe về gara để hút hết nhiên liệu ra, đổ xăng mới vào súc sạch động cơ, bơm cao áp, vòi phun xăng… sau đó đổ xăng lại vào là có thể chạy xe bình thường.
Trên thị trường hiện nay có khá nhiều loại xe vừa có phiên bản động cơ xăng và động cơ dầu (diesel) đang lưu thông. Có thể kể ra như Ford Focus, Ford Everest, Mitsubishi Pajero Sport, Mitsubishi Triton, Hyundai Santa Fe, Kia Sorento, Kia Carens, Toyota Fortuner, Mercedes-Benz GLK,…
Nhân viên bán xăng có thể sẽ không nhớ hết nổi chiếc xe của bạn chạy xăng hay diesel. Với tư tưởng “phòng còn hơn chống”, bạn nên thực hiện một số việc sau để hạn chế việc đổ nhầm nhiên liệu:
- Dán đề can loại nhiên liệu cho xe ở miệng bình nhiên liệu. Một số xe đời mới đã dán sẵn, thậm chí thay nắp bình nhiên liệu chống đổ nhầm.
- Mua xăng dầu thì phải xuống xe, thông báo loại nhiên liệu và kiểm tra xem nhân viên có đổ đúng loại nhiên liệu không.
- Để tránh nhầm khi cho mượn xe, chủ xe nên đổ đầy bình hoặc phải dặn cẩn thận người mượn.
Bình luận
Nội dung này chưa có bình luận, hãy gửi cho chúng tôi bình luận đầu tiên của bạn.